Lớp học piano của Hà Linh

Bài viết này mình sưu tầm từ blog http://duyman.vnweblogs.com. Tác giả blog hiện đang sống & làm việc tại New York. Trong bài viết này, ông đã kể về quá trình học đàn piano của cô con gái thứ 2: Hà Linh.

Ảnh chụp trong ngày biểu diễn tốt nghiệp (tháng 6 nảm 2004)

Chỉ sau một thời gian ngắn, HL đã biết tự đọc nốt nhạc để tập. Cô dạy, phải biết cảm thụ bản nhạc, khi chơi đàn phải thể hiện được đúng hồn của nó, từ giai điệu, tiết tấu tới âm lượng, … Do vậy mà học sinh phải tập rất kỹ thì tuần sau tới trả bài mới được cô chấp nhận và chuyển sang dạy phần tiếp.

Mình đã từng học nhạc, chơi đàn, nên rất ngạc nhiên về sự tiến bộ với cách dạy và học đàn của HL. Lúc ở Hà Nội, khỏang độ tám, chín tuổi, con gái đầu HM có đi học đàn piano với một cô giáo có tiếng và có nhiều kinh nghiệm, nhưng sau cả năm, cũng không biết nhạc và chơi đàn đựợc như HL sau vài tháng học.     

Mỗi năm hai lần, vào tháng Hai và tháng Sáu, cô giáo tổ chức cho tất cả học sinh biểu diễn ở trường nhạc của cô. Mỗi học sinh chơi hai họăc ba bài trong số các bài đã tập. Chương trình thường bắt đầu lúc bốn giờ chiều. Sau khi cô giáo giới thiệu chung, theo sắp xếp, các học sinh lần lượt tự lên giới thiệu mình, giới thiệu các bản nhạc sẽ chơi, rồi ngồi xuống đàn biểu diễn. Học sinh mới, ít kinh nghiêm biểu diễn trước, học sinh cũ, nhiều kinh nghiệm biểu diến sau. Khán giả là cô giáo, các phụ huynh, gia đình và bạn bè, lần nào cũng cả hơn trăm người. Ai cũng ngồi yên lặng, chú ý lắng nghe và nhiệt tình cổ vũ các học sinh. Sau khỏang hai giờ biểu diễn, là liên hoan chung. Các gia đình phân công nhau mang thức ăn, đồ uống, đĩa ăn, thìa dĩa, cốc, … tới góp chung. Mỗi lần biểu diễn và liên hoan là một dịp để học sinh và các gia đình làm quen, chuyện trò, trao đổi kinh nghiệm, … khá bổ ích.

Đi học đàn là một thứ rèn luyện. Không mấy cha mẹ muốn con thành người chơi đàn chuyên nghiệp, nhưng đưa con đi học là để con có một thứ để say mê, để đưa con vào kỷ luật, dần dần thành thói quen tự giác, biết đặt ra mục tiêu, rồi sắp xếp thời gian và cố gắng để đạt được mục tiêu đó. HL rất chăm chỉ và tự giác học đàn, dần dần thích và say mê. Cách dạy khoa học và hiệu quả của cô giáo cùng tính nghiêm khắc của bà có kết quả là, ai theo học được bà, thì đều trở thành người say mê đàn.

Từ năm học thứ hai, cô bắt đầu đưa học sinh đi dự các kỳ thi ở hạt (tương đương cấp huyện của ta). Học sinh thi theo lứa tuổi. Mỗi thí sinh phải chơi hai hoặc ba bài nhạc của các tác giả cổ điển hoặc đương đại nổi tiếng theo chủ đề của kỳ thi. Các kỳ thi được tổ chức ở các nhà văn hóa hoặc ở khoa Nhạc của một trường đại học. Giám khảo là các nghệ sỹ có thâm niên, chấm bài để trao hai lọai giải thưởng, vàng và bạc. Hôm phát giải thưởng, học sinh được giải sẽ chơi một bài trong chương trinh thi do các giám khảo chọn. Mọi thứ được tổ chức rất nhanh gọn, đơn giản mà trang trọng. Các gia đình đến dự rất đông đủ vì ai cũng tự hào và muốn con mình ý thức được điều đó để tiếp tục cố gắng hơn nữa.

Bản thân cô giáo vẫn tiếp tục đi học đàn với một giáo sư nhạc. HL là một trong vài học sinh được cô chọn đưa đến giới thiệu với thầy của cô, chơi đàn cho ông nghe để được ông góp ý kiến.

Cách dạy, học, tập luyện, biểu diễn và thi như vậy làm cho học sinh tiến bộ rất nhanh, nhất là có được thói quen biểu diễn. Cháu nào cũng rất tự tin về khả năng của mình.

Hết lớp mười, HL và một bạn cùng lứa có một chương trình biểu diễn chung, mỗi người chơi ba mươi phút. Hè năm tốt nghiệp lớp 12 phổ thông, HL có riêng một chương trình biểu diễn một giờ. Bạn bè của HL và của gia đình có hơn trăm người tới dự. Một sự kiện thật và kỷ niệm đáng nhớ cho cả gia đình.

Khi làm hồ sơ xin vào đại học, một trong những essay HL viết là về học chơi đàn piano. Bài essay đã gây ấn tượng tốt. Bạn có thể thông minh nên học giỏi và đạt điểm cao, điều đó là tốt. Nhưng nếu bạn có một sở thích như chơi tem, sưu tập ảnh các cầu thủ bóng chày, chơi đàn, chơi một môn thể thao như bóng bầu dục, đấu kiếm, hay chạy đường dài, lại có chí để theo đuổi sở thích đó trong nhiều năm liên tục và đạt được một số thành tích nhất định, thì điều đó sẽ được đánh giá rất tốt.

HL vừa tốt nghiệp ngành sinh học trường Dartmouth, hiện đang đi làm ở một bệnh viện để đợi sang năm sẽ vào học tiếp trường Y. Ngoài giờ ở bệnh viện, HL làm tình nguyện, chăm sóc các bệnh nhân bị ung thư. Và, theo giới thiệu của cô giáo cũ, hàng tuần dạy đàn piano cho một cô bé tám tuổi ở Manhattan.

Chụp cùng cô giáo dạy đàn

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Giúp con học piano

Nhiều nhạc sĩ thành công là do ảnh hưởng và được truyền cảm hứng từ cha mẹ – hay nói cách khác, mức độ quan

BÀI VIẾT MỚI NHẤT

ĐĂNG KÝ HỌC