Cách đây 30 năm, piano được xem như bộ môn nghệ thuật dành cho những người khá giả, rất ít gia đình có điều kiện cho con đi học như một môn năng khiếu. Ngày ấy việc dạy piano cũng chưa phổ biến lắm, hầu như chỉ có những trường âm nhạc dạy học một cách chính quy. Hơn hết, piano quả là một món đồ âm nhạc xa xỉ, mua được đàn không phải là chuyện đơn giản.
Vài năm trở lại đây, cuộc sống đầy đủ và sung túc hơn, các bậc phụ huynh luôn muốn con mình có sự phát triển toàn diện nhất về cả thể chất lẫn tinh thần. Học văn hóa thôi chưa thể đủ, trẻ em cần khám phá và trải nghiệm nghệ thuật. Điều này giúp các em không chỉ thoải mái đầu óc mà còn có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống.

Nhiều lớp học đàn được mở ra, phụ huynh có nhiều lựa chọn cho con em của mình. Và mỗi người khi đưa con đến lớp học đàn, có lẽ cũng là một cách gửi gắm những mơ ước thuở nhỏ của mình vào con, mơ ước được học đàn, mơ ước được chơi cây đàn dương cầm. Dù họ không thật giàu có nhưng vẫn cố gắng cho con mình được học đàn, được chạm tay vào âm nhạc. Tất cả cha mẹ đều yêu thương những đứa con của mình và muốn cho con được phát triển toàn diện nhất.
Tuy nhiên, do chính sự yêu thương lớn lao của mình, một số bậc phụ huynh lại cáu gắt với con mình khi chúng lơ là việc tập hay không theo kịp bạn bè. Cha mẹ luôn muốn tốt cho con cái, họ mắng con mình chỉ vì muốn con chăm chỉ và thấy con ngày càng tiến bộ.

Nhưng như vậy vô hình chung, họ đang đẩy con ra xa khỏi nghệ thuật, khiến trẻ nhỏ không con thấy hứng thú với việc học đàn hay chơi đàn. Những đứa trẻ khi còn nhỏ, chúng chưa biết nghệ thuật có ích thế nào cho cuộc sống bởi những tâm hồn non nớt ấy luôn tràn ngập màu hồng, chưa một chút va vấp, chưa một chút gục ngã, chúng không thể hiểu được cảm giác stress và biết cách sử dụng nghệ thuật để làm thanh thản tâm hồn. Và đó cũng chính là lý do chúng chưa hiểu cha mẹ mình, chưa thấy được những điều tốt trong từng lời bố mẹ nhắc nhở, thậm chí quát mắng, chúng sớm nảy sinh ra những tâm lý chán nản, hờn ghét.

Xích mích giữa cha mẹ và con cái ngày càng tăng lên nhiều khi khiến những đứa trẻ không còn có cảm giác muốn học đàn nữa và nghỉ học đàn không khác gì một sự giải thoát. Đây chính là nguyên nhân gián tiếp khiến chúng tự đẩy bản thân mình ra khỏi nghệ thuật, vứt đi liều thuốc hữu dụng nhất cho tâm hồn.
Đây có thể chỉ là một bộ phận trong những gia đình đang cho con đi học đàn. Nhưng có lẽ bạn sẽ tự hỏi: Vậy có nên cho trẻ đi học đàn từ khi còn nhỏ tuổi hay không?!

Theo cá nhân tôi, câu trả lời là: NÊN cho trẻ đi học piano từ sớm nhưng CẦN khuyến khích trẻ học sao cho đúng cách.
Trước hết bạn cần lựa chọn cho con mình một giáo viên piano nhiệt tình và yêu nghề. Một người giáo viên tốt không chỉ giúp con bạn vững vàng về piano mà còn truyền cảm hứng cho con bạn trong cuộc sống. Người thầy dạy về nghệ thuật khác với người dạy về tri thức, họ là một trong số ít những người tác động vào bán cầu não phải – bán cầu não về tư duy tưởng tưởng của con bạn. Hãy tìm kiếm một người phù hợp để dẫn dắt trẻ, không chỉ cho trẻ kiến thức về nghệ thuật mà còn kích thích trẻ phát triển hết khả năng của mình.

Môi trường học đàn piano cũng là một yêu cầu vô cùng quan trọng. Phòng học đàn piano thường được thiết kế riêng, vô cùng phù hợp, xung quanh học viên hoàn toàn là một môi trường âm nhạc cùng với các nhạc cụ, phương tiện hỗ trợ học. Còn khi về nhà, xung quanh trẻ là tivi, là máy tính, là truyện, là trò chơi, … Bởi vậy khi ở lớp, trẻ sẽ tập trung vào việc học hơn; còn khi về nhà trẻ thường bị sao lãng. Hãy giúp trẻ tập trung vào việc tập đàn bằng cách hạn chế bật tivi hay các thiết bị điện tử với âm thanh lớn; dạy trẻ cách phân bố thời gian hợp lý, tập ra tập – chơi ra chơi. Tuy nhiên đừng ép trẻ tập đàn khi trẻ không muốn, cách tốt nhất là xây dựng cho trẻ thói quen tập đàn từ 10 đến 30 phút mỗi ngày. Tập nhiều một lúc và ít lần một tuần sẽ không hiệu quả bằng tập vừa đủ thời gian nhưng duy trì đều đặn hàng ngày.
Bên cạnh đó, bạn có thể dành ra 5 hay 10 phút cuối mỗi buổi học để trao đổi với giáo viên về nội dung bài con vừa được học, những điểm cần lưu ý, những phần cần luyện tập thêm ở nhà… Học đàn không như các môn văn hóa được dạy ở trường học, không phải ai cũng có năng khiếu về nghệ thuật nhưng nếu học nghệ thuật đúng phương pháp sẽ phát triển con người một cách toàn diện. Hiểu về con mình ở mọi khía cạnh sẽ giúp bạn trở thành một người cha, người mẹ tâm lý, giúp con thêm yêu gia đình, yêu cuộc sống, yêu âm nhạc và phát triển đầy đủ về mọi mặt.
Nhưng bạn biết đấy, cha mẹ là người giáo viên tốt nhất cho con, không người thầy người cô nào có thể tốt hơn chúng ta, người làm cha làm mẹ, người yêu thương con vô điều kiện. Hãy cho trẻ sự lựa chọn đến với nghệ thuật một cách tự nhiên nhất. Bạn có thể tập đàn cùng con, yêu cầu con hướng dẫn lại cho bạn, bắt đầu bằng những bài tập đơn giản cùng con mình để chia sẻ với con những thắc mắc và khó khăn trong việc học đàn. Theo nghiên cứu khoa học thì bạn thu được 80% những gì đã học khi truyền đạt lại cho người khác.

Hãy trở thành một người bạn, một người thầy của con để dẫn dắt con đi đúng hướng nhất có thể, giúp con yêu nghệ thuật. Ngoài ra bạn cũng có thể đi học đàn, ngày nay càng nhiều người lớn học đàn. Những căng thẳng có thể sẽ được giải tỏa, không còn cáu gắt với con mình nữa và giúp bạn thực hiện ước mơ chơi đàn ngày thơ bé.

Chúc các bạn và các con ngày càng yêu nghệ thuật và đam mê piano hơn nhé. Nghệ thuật vô cùng cần thiết cho cuộc sống. Càng có nhiều người yêu nghệ thuật, cuộc sống này sẽ càng tươi đẹp hơn.